13-05-2020: Đặt Tên, Bước Khởi Động Của Diễn Giải

hôm qua, ông Lim Dim, nhà phê bình mỹ thuật hạng tám (không có nghĩa tôi sẽ gọi các nhà phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp là hạng một), nhà siu tập hạng chín, gọi bức tranh (hình đăng kèm) của tôi là "trĩu trịt". và điều đó làm tôi kinh ngạc. tôi đang định đặt tên nó là "zã man zợ" cơ.

gần đây, ngẫu nhiên nhìn thấy một trang có tên "họa sĩ và nhà sưu tập" nên tôi tò mò click. tôi sẽ không bình luận gì về tranh pháo (nếu thấy thán phục, tôi sẽ cho phép mình bình luận) nhưng tôi cười đến nôn ruột khi thấy cái cách các họa sĩ đặt tên cho họa phẩm của họ. [vd] vẽ bông hoa hồng, họ đặt tên bức tranh là "hoa hồng", vẽ cô gái ngồi cạnh lọ hoa, họ đặt tên là "thiếu nữ bên hoa", vẽ vài con thuyền trên nền mây nước, họ đặt tên "làng chài buổi sớm"... v.v. thú thật, tôi vô cùng thán phục cái tư duy minh họa hiện thực - thứ tư duy đè họ xuống thấp hơn cả loài gián - của họ. chẳng những minh họa hiện thực bằng họa phẩm, họ còn mang cái tư duy ấy áp vào người xem bằng cách gọi những tác phẩm hiện thực của họ một cách cực kì hiện thực.

một vài người mua tranh của tôi có hỏi tôi rằng "tên bức tranh này là gì", tôi trả lời họ rằng, tôi không có quyền đặt tên cho tranh. quyền đặt tên thuộc về bạn, người bỏ tiền mua nó.

có ba loại hình nghệ thuật mà ngôn ngữ của nó mạnh mẽ nhất bởi sự trừu tượng. một là múa, hai là âm nhạc, và ba là hội họa. múa tôi muốn nói tới ở đây không phải dân vũ (mô phỏng đời sống) mà là ballet. các vũ kịch dù có nội dung cụ thể thì ngôn ngữ biểu đạt của ballet vẫn là ngôn ngữ trừu tượng (bất khả diễn giải). ở âm nhạc, là khí nhạc. khác với thể loại ca khúc, luôn "nói" một cái gì đó cụ thể (ca ngợi đảng, nguyền rủa người yêu phụ bạc... v.v) thì khí nhạc không "nói", nó chỉ cung cấp những cảm xúc (tiên nghiệm) hết sức trừu tượng. ở hội họa, là mảng trừu tượng. tranh trừu tượng - nói theo susan sontag - là cách nghệ sĩ chống lại mọi diễn giải

"trốn tránh diễn giải là một nét đặc thù của hội họa đương đại. tranh trừu tượng là một thử nghiệm để loại bỏ hẳn, theo nghĩa thông thường, nội dung: vì không có nội dung nên không thể có diễn giải. pop art thì hành động ngược lại nhưng cũng để đi tới kết quả tương tự: vì nội dung của nó quá rõ nên cũng không thể có diễn giải" - trích tiểu luận "chống diễn giải", susan sontag [*]

đặt cho tác phẩm một cái tên là một cách "dán nhãn", bước khởi động của hành vi diễn giải. hegel cho rằng, khuôn một sự vật/việc vào một khái niệm là làm nghèo nàn sự vật/việc đó, còn spinoza thì bảo, phủ định là khẳng định (khẳng định cũng là phủ định).

một bức tranh trừu tượng có tên là hướng người xem vào nội hàm cái tên đó (họa sĩ vẽ trừu tượng rồi đặt cho bức tranh ấy một cái tên nên thơ hoặc bí hiểm, theo tôi, là việc làm đáng nôn mửa). bản thân trừu tượng không có nội dung, do đó nó có vô vàn nội dung, phụ thuộc vào người xem tranh.

nhân tiện trích sontag, ta quay lại với việc các họa sĩ vẽ hiện thực rồi đặt tên hiện thực. việc làm đó cực vô nghĩa, bởi "vì nội dung nó quá rõ nên không thể có diễn giải". lù lù cô gái ngồi bên lọ hoa thì có cần thiết phải đặt tên tranh (diễn giải) là "thiếu nữ bên hoa" không?

các nhà soạn nhạc cổ điển thường không đặt tên cho tác phẩm, mà họ đánh số (vd sonata no.14 của beethoven có tên "ánh trăng", symphony no.5 có tên "định mệnh" là do người đời đặt). cá nhân tôi nghĩ, họa sĩ cũng nên làm vậy. [trừu tượng] không nội dung cụ thể nên không thể diễn giải thì không nên đặt tên, và [hiện thực] nội dung lù lù ra đó rồi cũng không cần thiết đặt tên nốt. tôi sẽ gọi tranh của tôi, ví dụ, "vú 5", "hoa 9", "lồn 3", "trừu 7"... v.v.

hầu hết đám phê bình nghệ thuật luôn phải bám vào một "ý nghĩa" của tác phẩm để "bình". tôi gọi đám phê bình này là lũ kí sinh. chúng bất tài, nhợt nhạt, và chúng đang nỗ lực biến một nghệ thuật thành món hàng rẻ tiền, bởi bản thân phê bình là một nghệ thuật đứng dược độc lập. phê bình, tự thân nó phải hấp dẫn trong tư cách một nghệ thuật. nó không cần bám vào "ý nghĩa" nào đó để nói cho sang là phê bình, còn nói cho đúng bản chất, là tán nhảm, chém gió.

[*] "chống diễn giải", một tiểu luận xuất sắc của susan sontag nhà phê bình nghệ thuật người mỹ. bạn nào quan tâm thì đọc ở đây: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=331&rb=0103

---

tranh: "zã man zợ" hay còn gọi là "trĩu trịt" hehe


Nhận xét

BÀI XEM NHIỀU:

Chuyện vặt văn nghệ sĩ

01-06-2020

31-05-2020

Lại chìm vào đêm

17-05-2020

Ẩn dụ & khát khao từ huyền thoại

22-05-2020: Chúng Ta Là Thời Gian

Chơi gôn xứ Việt

Mấy thằng "giáo sư" hệt lũ oánh bả gà, tác phong giọng điệu y chang đám đa cấp..