27-04-2020

đầu năm gieo quẻ dịch, ra quẻ "lôi phong tiểu dị", hào tam, ngư vô bao. hung. y rằng nằm viện triền miên.

dạo trước, có một nhà văn lớn tỉ tê với tôi rằng, chỉ nên xuất hiện trước mặt người đời khi ta khỏe mạnh đẹp đẽ, còn khi ốm đau thì trốn cho kĩ, đừng cho đứa nào thăm nom, bởi vì chúng nó tới viện thăm mình thì ít mà tới để tỏ lòng thương hại, tới để khoái trá trước vẻ tiều tụy yếu đuối của mình thì nhiều.

tôi thì không phòng thủ tiêu cực như nhà văn nọ, nhưng tôi thấy ổn khi một mình trong viện. thậm chí không một lời thăm hỏi, của bất cứ ai, kể cả người ruột thịt. tôi không có cảm giác buồn, "tủi thân", mà chỉ thấy thoải mái. sự thoải mái ấy có được nhờ cảm giác: mình không làm phiền tới ai.

trong bài tùy bút "người dựng lễ đài tuyên ngôn độc lập" (viết năm 1993), nhà văn phùng quán chép lại lời của nguyễn hữu đang:

“chú có biết điều lo lắng nhất của tôi hiện nay là gì không? tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên hà nội... nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. có ai muốn một người không phải ruột ra máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô, các cháu học sinh... bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên hà hội. ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết... chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...”.... “đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi... tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phải phiền ai... tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay...”

sống không làm phiền ai, đã đành, nhưng lo cho cái chết của mình cũng làm phiền người khác, dường như mới chỉ có nguyễn hữu đang, một trong những lãnh tụ của nhân văn giai phẩm.

hành trình đời sống ai cũng có niềm đau, nỗi buồn. ai cũng có lúc lâm vào tình thế khó khăn, ít hay nhiều. thế nhưng hầu hết tha nhân thường thích phô phang niềm đau nỗi buồn, trưng bầy sự khốn khó. người đời không chỉ thích khoe những biểu tượng thành công (của nả ăn chơi gia xinh gái đẹp) mà họ còn có cả nhu cầu trình diễn những biểu tượng thất bại (túng thiếu ốm đau tai nạn ức hiếp).

trưng bầy sự thảm hại, thất bại là một dạng của tâm lí nạn nhân. tao khổ tao ốm tao bất mãn là vì chúng mày. họ hờn trách cuộc đời, họ đòi hỏi cuộc đời phải có "trách nhiệm" với họ.

tôi chưa từng thấy một nhà tư tưởng lớn hay nhà văn lớn nào cổ súy từ thiện, ngược lại, tất cả bọn họ đều dành những lời lẽ kinh khủng cho việc từ thiện và nhận từ thiện (tôi dùng chữ "kinh khủng" cho cả những ưu điểm, như hay, đúng, chân thật). theo quan sát của cá nhân tôi thì cổ súy cho từ thiện chỉ có mấy loại, một là các chính trị gia, hai là các chức sắc tôn giáo, ba là bầy đàn lũ con bò a dua nói leo.

có lẽ thiếu tự trọng là căn bệnh lớn nhất ở loài người, căn bệnh khiến cho loài người hoàn toàn không xứng đáng với vị thế của nó.

lũ sẵn sàng ngửa tay nhận từ thiện nghĩ rằng người đời phải có trách nhiệm với sự khốn khổ của chúng, còn lũ làm từ thiện thì tự đặt mình vào vai trò thượng đế, vai trò ban phát, rồi tự thấy mình đầy sự cao cả. cả hai cùng vô liêm sỉ như nhau.

oscar wilde cho rằng, chẳng có tội ác nào trên thế gian này ngoài sự ngu xuẩn, còn nói theo ngôn ngữ, tinh thần phật học thì mọi khổ đau của cuộc đời đều có nguyên nhân từ sự vô minh.

ngay cả việc thành tâm cầu nguyện thì cũng không phải van nài ngoại giới. cầu nguyện thành tâm không phải để lay động thượng đế mà để lay động chính tâm hồn mình.

đau, buồn, hãy giữ cho riêng mình, rồi mình sẽ tiêu hóa nó. trình diễn niềm đau nỗi buồn sự bất hạnh chẳng những không làm những điều đó mất đi mà còn khiến nó nhân rộng. kết quả là "trái đất ba phần tư nước mắt". rất hãm!

bài biên 27/4/2019


Nhận xét

BÀI XEM NHIỀU:

01-06-2020

13-05-2020: Đặt Tên, Bước Khởi Động Của Diễn Giải

Chuyện vặt văn nghệ sĩ

31-05-2020

Lại chìm vào đêm

17-05-2020

Ẩn dụ & khát khao từ huyền thoại

22-05-2020: Chúng Ta Là Thời Gian

Chơi gôn xứ Việt

Mấy thằng "giáo sư" hệt lũ oánh bả gà, tác phong giọng điệu y chang đám đa cấp..